Trải nghiệm điện mặt trời ở “đất nước mặt trời mọc”.

Nhật Bản thường hay được gọi với cái tên ” Đất Nước Mặt Trời Mọc” để chỉ đây là đất nước đầu tiên đón ánh nắng mặt trời của khu vực châu Á. Mặc dù có chỉ số bức xạ năng lượng mặt trời chỉ rơi vào từ 4,3 đến 4,8 kWh / m² mỗi ngày, thuộc nhóm nước có chỉ số trung bình thấp trên thế giới nhưng Nhật Bản lại là quốc gia có tỉ lệ sử dụng điện mặt trời mái nhà thuộc vào tốp 3 nước hàng đầu trên thế giới tính đến năm 2022.

Một khu phố tại Nhật Bản với những căn hộ gắn tấm pin năng lượng mặt trời trên mái.

Ngay từ tháng 5 năm 2011, sau sự cố động đất sóng thần gây thảm họa thảm khốc làm hàng chục nghìn người thiệt mạng và gây ra sự cố nhà máy điện hạt nhân Fukushima Dai-ichi, tôi có chuyến công tác đầu tiên sang khu vực tỉnh Shiga và thành phố Osaka, miền trung Nhật Bản. Cảm nhận của tôi lúc đó là mặc dù người dân vẫn đang hoang mang về vấn đề rò rỉ phóng xạ, cũng như tập trung vào công tác cứu hộ, cứu nạn nhưng cả xã hội Nhật Bản vẫn vận hành một cách thầm lặng và trật tự. Điều đặc biệt gây ấn tượng với tôi lúc đó là mặc dù sau sự cố, Nhật Bản dừng hoạt động toàn bộ các nhà máy điện hạt nhân dẫn đến tình trạng thiếu điện cục bộ ở hầu hết các khu vưc trên đất nước, nhưng ở khu vực tôi công tác lại hoàn toàn không diễn ra tình trạng mất điện. Tìm hiểu thông qua những đồng nghiệp người Nhật, tôi được biết, tại khu vực tôi công tác, hầu như mọi căn nhà của người dân, các nhà máy, xí nghiệp đều có lắp hệ thống năng lượng mặt trời do đó họ chủ động được nguồn năng lượng và không phải phụ thuộc nhiều vào điện lưới quốc gia. Đây là lần đầu tiên tôi tiếp xúc và tìm hiểu về điện năng lượng mặt trời và cũng là động lực để tôi phát triển thương hiệu ” Điện mặt trời Bắc Ninh” hiện nay.

Tham quan cố đô Kyoto trong chuyến công tác năm 2011.

Qua tìm hiểu tôi được biết, ngay từ năm 2008, Chính phủ Nhật Bản đã thực hiện chính sách hỗ trợ cho vay mua nhà có sử dụng năng lượng tái tạo với thời gian trả nợ tối đa là 10 năm, trong đó, cho những gia đình cải tạo nhà, chuyển sang sử dụng năng lượng mặt trời được vay số tiền tối đa lên đến 5 triệu Yên( JPY), tương đương gần 5.000 USD. Ngoài ra, Chính phủ Nhật Bản còn mua điện sản xuất từ năng lượng mặt trời với giá cao hơn giá thị trường và giảm giá bán các tấm pin năng lượng mặt trời.

Ngay từ thời điểm tháng 8/2011, chính phủ Nhật Bản đã ban hành Luật Trợ giá (FIT) mua năng lượng tái tạo, khuyến kích người dân tự sản xuất điện mặt trời tại nhà và từ đó xây dựng các trung tâm điện mặt trời lớn, tập trung. Luật FIT cho phép hỗ trợ giá điện sản xuất từ năng lượng mặt trời khi các doanh nghiệp tư nhân muốn đầu tư . Cụ thể, Chính phủ mua điện sản xuất từ năng lượng mặt trời với giá cao hơn giá thị trường, khoảng 40 Yên/kWp (0.50 USD/kWh) cho các dự án có công suất 10 kW trở lên. Đối với các dự án công suất <10 kW, giá mua cao hơn là khoảng 42 Yên/kWp (0.53 USD/kWh). Như vậy chính sách trợ giá, mua điện mặt trời giá cao của Nhật Bản đã đi trước Việt Nam gần 10 năm.

Những ngôi nhà “mái xanh”, một đặc trưng của đô thị Nhật Bản.

Nhật Bản cũng khuyến khích chính quyền các địa phương cùng tham gia các dự án điện mặt trời. Theo báo cáo của Tổ chức phi lợi nhuận “Mạng lưới chủ sở hữu điện mặt trời ở Nhật Bản”, tính đến tháng 7/2013 đã có 277 cơ quan hành chính các cấp ở Nhật Bản (chiếm 15% số lượng cơ quan hành chính của quốc gia này) thực hiện hoặc đồng ý “cho thuê mái nhà” các công trình công cộng, lắp đặt hệ thống pin mặt trời.Chỉ riêng năm 2016, Chính phủ Nhật Bản dành khoảng 2,3 nghìn tỉ Yên (tương đương 20,5 tỉ USD) hỗ trợ việc mua lại điện mặt trời với giá cao.

Tháng 4/2017, Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản (METI) giới thiệu đạo luật FiT mới (sửa đổi), trong đó, giảm thuế từ 21 đến 30 Yên/kWp điện tái tạo, tùy thuộc vào quy mô hệ thống. Điều này đã khuyến khích đầu tư từ DN tư nhân vào lĩnh vực năng lượng tái tạo.

Những kết quả to lớn đã đạt được.

Nhờ chính sách hấp dẫn của Chính phủ, Nhật Bản đã thu hút một số lượng lớn các dự án đầu tư vào năng lượng tái tạo, trong đó phổ biến nhất là năng lượng mặt trời. Từ năm 2011 đến năm 2014, công suất lắp đặt điện mặt trời tại Nhật Bản tăng mạnh từ 5.000 MW lên 25.000 MW. Đến nay, đã có khoảng 2,4 triệu khách hàng (bao gồm hộ gia đình, doanh nghiệp…) lắp đặt điện mặt trời áp mái ở Nhật Bản với công suất trên 74 GW.

Năng lượng mặt trời đã trở nên phổ biến tại Nhật Bản.

Trong số các dự án điện mặt trời, 80% là quy mô nhỏ, chủ yếu là công trình lắp đặt trên mái nhà. Hệ thống điện mặt trời áp mái có nhiều ưu điểm như, giảm được tiền thuê đất, không cần thiết phải kí hợp đồng tiêu thụ điện với các công ty điện lực địa phương… Những khách hàng lắp đặt điện mặt trời áp mái khi không sử dụng hết số lượng điện sản xuất ra, có thể bán cho các công ty điện với mức giá ưu đãi.

Tháng 7/2018, Nhật Bản thông qua kế hoạch chiến lược phát triển năng lượng lần thứ 5 tầm nhìn 2030 và đến 2050. Theo đó, Nhật Bản đã định hướng phát triển năng lượng dựa trên nguyên lí 3 E+S, (Viết tắt của Safety – an toàn, Energy Sercurity – an ninh năng lượng, Enviroment – môi trường, Economic Effeciency – hiệu quả kinh tế). Nguyên lý này cho thấy, Nhật Bản đang hướng đến xác lập cơ cấu cung cầu năng lượng bền vững, giảm gánh nặng kinh tế và thân thiện với môi trường.

Theo kế hoạch, Nhật Bản tiếp tục duy trì mục tiêu sử dụng đa dạng các nguồn năng lượng. Cụ thể, đến năm 2030, trong cơ cấu nguồn điện, năng lượng tái tạo chiếm từ 22-24%, nhiên liệu hóa thạch 56% và năng lượng hạt nhân từ 20-22%.

Để thực hiện được mục tiêu đề ra, việc tiếp tục đẩy mạnh phát triển điện mặt trời, trong đó có các công trình điện mặt trời áp mái là không thể thiếu trong Chiến lược phát triển năng lượng của chính phủ Nhật Bản

Kết luận :

Đến nay, sau rất nhiều nỗ lực của chính phủ, Nhật Bản dù là một nước có diện tích nhỏ, quy mô dân số trung bình nhưng công suất sử dụng năng lượng mặt trời tính đến hết năm 2022 là 74,19 GW, đứng thứ 3 thế giới, chỉ sau Trung Quốc và Mỹ. Việt Nam chúng ta mặc dù đi sau, nhưng nhờ chính sách ưu đãi đúng đắn của chính phủ cũng đã tạo ra bước đột phá trong lĩnh vực phát triển điện năng lượng mặt trời. Năm 2022 Việt Nam cũng đã vươn lên vị trí thứ 9 trong số các quốc gia sử dụng nhiều năng lượng mặt trời nhất thế giới, với công suất 16,66 GW. Việt Nam nói chung và tỉnh Bắc Ninh nói riêng còn rất nhiều tiềm năng phát triển điện mặt trời mái nhà nếu như tiếp tục nhận được chính sách hỗ trợ của chính phủ. Nếu bạn thực sự quan tâm đến vấn đề độc lập, tự chủ năng lượng, cũng như góp phần giảm chi phí tiền điện hàng tháng và rộng hơn nữa là giúp chính phủ ổn định an ninh năng lượng, hãy liên hệ với Điện mặt trời Bắc Ninh chúng tôi để được tư vấn giải pháp tối ưu. Chúng tôi cam kết mang đến cho bạn chất lượng dịch vụ tốt nhất.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *